Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hương liệu tinh dầu - Scent me free
Scent

Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng hương liệu

Trong học kì này, mình đã đăng ký môn CÔNG NGHỆ HƯƠNG LIỆU VÀ SẢN PHẨM NGUỒN GỐC THIÊN NHIÊN, một trong những môn mà mình mong chờ được học nhất trong suốt 4 năm ở Bách Khoa của mình. 

Hôm nay, mình sẽ chia sẻ lại một vài “mảnh kiến thức” mình đã thu nạp được từ buổi học của thầy và thông qua tài liệu NEZ mình đọc được. Nhiều lắm, nhưng mình sẽ tổng hợp dần theo chủ đề và chia sẻ trên blog này nhé!

Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng hương liệu

Cũng như việc trồng cây hoa màu hay lương thực, việc trồng và sản xuất nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp hương cũng cần phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố, bao gồm: giống cây trồng, điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, và đặc biệt cần được quan tâm nhất là thời điểm thu hoạch hương liệu.

Giống cây trồng 

Giống cây trồng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn hương liệu và tinh dầu thu được. Việc được quan tâm trước nhất khi muốn sản xuất hương liệu là lựa chọn giống cây trồng, rồi sau đấy sẽ tìm kiếm khu vực địa lý, khí hậu thích hợp để phát triển canh tác loại thực vật này. Vì mỗi loại cây, sẽ thích ứng với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau.

Trong mỗi một Họ, một Chi lại có rất nhiều cây (Loài) và được định danh bằng tên khoa học, tùy vào nhu cầu và mục đích kinh doanh, người ta có thể chọn một Loài khác nhau. Ví dụ, nếu muốn sản xuất nguyên liệu dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm có công dụng trị mụn, kháng viêm, bạn có thể lựa chọn Tràm trà (Melaleuca alternifolia) thuộc Chi Tràm, muốn ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm xông mũi, hỗ trợ đường hô hấp thì các cây thuộc chi Bạch đàn, Khuynh Diệp (Genus Eucalyptus) sẽ phù hợp hơn vì chứa nhiều eucalyptol – thành phần có công dụng làm giảm nghẹt mũi, hen suyễn, sát trùng đường hô hấp vì có khả năng ức chế sự sản sinh của cytokine tiền viêm. 

Chi tràm chi bạch đàn - yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hương liệu

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào xu hướng và văn hóa tiêu dùng của thị trường tại từng khu vực mà khả năng tiêu thụ tinh dầu hay hương liệu cũng sẽ có sự khác biệt. Việt Nam khá chuộng những loại tinh dầu như Lavender (Oải hương), Jasmine (Lài), Rose (Hoa hồng),… Nếu bạn muốn sản xuất Lavender, nhưng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của miền Nam không thích hợp để canh tác loại cây này, vì thế, bạn phải đi khảo sát các khu vực đồi núi cao, lạnh, như Lâm Đồng để phát triển chúng, nếu trồng ở Tiền Giang thì có thể cây sẽ sống đó, còn chuyện có ra hoa, hay có thu được tinh dầu với chất lượng như ở Pháp hay không, thì mình không dám chắc.

*Đây chỉ là ví dụ đơn giản mình dùng để giải thích cho ảnh hưởng của việc chọn giống.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hương liệu

Điều kiện môi trường (ánh sáng, nước, nhiệt độ, độ cao, thổ nhưỡng)

Yếu tố lựa chọn giống đạt chuẩn cũng chưa đủ để nhà sản xuất thu được chất lượng hương liệu như mong muốn. Khi đề cập đến hương liệu, người ta thường sẽ đề cập đến nguồn sản xuất nguyên liệu ấy, vì mỗi khu vực sẽ có một sản vật khác nhau, và đặc tính mùi hương của mỗi vùng sẽ có sự khác biệt. Vì thế, khi làm hương, hay sản xuất tinh dầu, nhà làm hương hay nhà sản xuất hương sẽ quan tâm đến xuất xứ của nó trước tiên.

Vùng địa trung hải có khí hậu cận nhiệt đới, mùa đông ẩm ướt và mùa hè khô, nắng nóng, thích hợp trồng Rosemary (được biết đến với tên Hương Thảo tại Việt Nam), tại Việt Nam thì loại cây này cũng phát triển rất tốt. 

Mediterranean Rosemary - các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hương liệu
Mediterranean Rosemary

Hay Ylang – Ylang, là một trong những loại cây của xứ nóng, có nguồn gốc và được trồng nhiều tại Indonesia, Malaysia. Cây Hoàng Lan ưa thích khí hậu nóng ẩm của nhiệt đới gió mùa như khu vực Đông Nam Á Nam Á.

Nếu được hỏi Lavender (Oải hương) được trồng nhiều ở đâu tại Việt Nam, thì bất cứ người Việt nào cũng sẽ nghĩ ngay đến Đà Lạt, Lâm Đồng – xứ xở ngàn hoa của nước ta. Vậy nếu so với toàn thế giới, thì ở đâu là cái nôi của hoa Oải hương? Câu trả lời mà bạn sẽ thường nghe là Pháp.

Lavender cần được trồng ở vùng đồi núi cao, từ 600m so với mực nước biển, và loài hoa khá “nhạy cảm” với gió và mưa. Lavender được xem là biểu tượng (emblem) của Pháp, được trồng nhiều tại miền Nam nước Pháp (Provence – Pháp). Dẫn đầu trong sản xuất essential oil lavender là Bulgari (khoảng 400 – 600 tấn/năm), trong khi sản lượng essential oil lavandin đi đầu là Pháp với khoảng 1300 tấn/ năm và lavender là 100 tấn/ năm.

vị trí thổ nhưỡng thích hợp cho Lavender - yếu tố ảnh hưởng chất lượng hương liệu
Nguồn ảnh: Lavender in Perfumery by NEZ Editions

Thời điểm thu hoạch 

Tùy vào mục đích sử dụng của loại hương liệu, dược liệu mà thời điểm thu hoạch của một cây sẽ khác nhau. Nguyên nhân là do phụ thuộc vào thời điểm sinh trưởng của cây, vì theo mỗi giai đoạn phát triển, các thành phần tích lũy trong các bộ phận của cây sẽ khác nhau. Nếu người trồng cần nguyên liệu để làm tinh dầu thì phải chọn thời điểm cây tích nhiều thành phần tạo hương nhất (thường là sau khi ra hoa, quả, hoặc cây đã già), còn đối với nguồn làm thực phẩm, thì thường sẽ thu hoạch khi cây còn non. 

Mình không rành việc thu hoạch các loại hoa màu như thế nào. Nhưng mình dám chắc rằng thời điểm chín muồi để “thu hái” các loại hương liệu rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng mùi hương và sản lượng sau khi chưng cất, tinh luyện. Mỗi loại giống cây sẽ có thời điểm thu hoạch riêng, ví dụ như theo mùa (mùa mưa hay mùa khô), theo mức độ trưởng thành của cây, hay theo thời gian trong ngày như sáng, trưa hay chiều, có khi có thể tính theo giờ. 

Việc lựa chọn thời gian thu hái lá, hoa, quả hay rễ của cây hương liệu quan trọng như vậy vì nếu thu hoạch sai thời điểm có thể khiến sản lượng tinh dầu chưng cất được rất thấp, độ “chín” của mùi không đạt yêu cầu của nhà hương, hay tệ hơn là cả mẻ chưng cất được không có mùi luôn, hoặc ra mùi khá là “thơm” :>>>

Cụ thể, với Hoa Lài (hay còn gọi là nhài – Jasmine), khoảng thời gian thu hoạch nhài từ tháng 3 đến tháng 9 cùng năm. Lài là loài cây ưa nắng, cần nhiều ánh sáng, đặc biệt là giai đoạn trổ hoa (the peak bloom period), dao động từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Quá trình thu hoạch lài thường diễn ra vào thời điểm mặt trời lặn, khi mà những búp hoa lài đã “căng đầy” và sắp sửa bung nở vào đầu đêm. Thời điểm lài thơm nhất là khi hoa vừa nở, trong đó những đóa hoa lài đầu tiên được thu hái (khoảng cuối tháng 2 – đầu tháng 3) thường có ít khía cạnh animalic hơn những đợt hoa nở sau, vì hàm lượng indole trong những đóa lài “chị” thường ít hơn so với những “cô em” nở sau.

Hoa Lài - Jasmine
Hoa Lài – Jasmine
Búp lài đạt chuẩn để thu hoạch
Búp lài đạt chuẩn để thu hoạch

Còn với Ylang – Ylang (hay còn được gọi là hoa Ngọc Lan Tây, hay Hoàng Lan), là cây xứ nóng, phát triển tốt ở những khu vực như Đông Nam Á,… Hoa Ngọc Lan Tây trưởng thành sau khoảng 2.5 năm, thời điểm thu hái hoa không phải là lúc hoa vừa nở (như lài), mà vào khoảng tầm 3 tuần sau khi hoa nở. Đây là lúc mà cánh hoa chuyển từ màu xanh mạ (lúc chớm nở) sang màu vàng tươi, nhụy hoa có màu đỏ thẫm (carmine red).

Hoa thơm nhất vào khoảng 2h sáng, thường được thu hái từ tờ mờ 4h sáng và phải đảm bảo xong trước 9h vì hoa Ylang – Ylang có đặc điểm thơm theo chu kì. Sau khoảng thời gian này, hương hoa nhạt đi vì thế nếu thu hoạch sau 9h, hiệu suất tinh dầu thu được sẽ thấp. Nếu hoa chưa được hái kịp trước 9h thì cũng không cần quá lo lắng, đến sáng hôm sau, hoa sẽ ngát hương trở lại nhé, và mình xách giỏ đi thu hoạch thôi. Quá trình chưng cất phải được tiến hành ngay sau đó, từ 11h sáng đến trưa vì hoa Hoàng Lan rất “mỏng manh yếu đuối”, dễ hư hỏng nên nếu để lâu, cánh hoa sẽ héo, dập và bị thất thoát tinh dầu.

Ylang Ylang
Ylang Ylang

Tài liệu tham khảo:

  1. YLANG – YLANG in perfumery by Nez + LMR Naturals
  2. JASMINE SAMBAC in perfumery by Nez + LMR Naturals
  3. Tài liệu môn Công nghệ Hương liệu và sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên – ĐH Bách Khoa TPHCM. 

Dạo chơi những bài viết khác của mình về trải nghiệm cá nhân của những ve lọ mình có:

Scentmefree._